Wednesday, August 8, 2012

Tuổi thơ cắt cỏ, chăn bò của nữ thủ khoa 9 điểm Văn 

Mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng, lên 5 tuổi Linh lại phải sống cùng bà ngoại với công việc đồng áng, chăn bò. Nỗi nhớ người mẹ đang kiếm sống ở Sài Gòn khiến cô bé luôn khao khát tình cảm gia đình...
> Nữ sinh chuyên Ngữ thủ khoa hai đại học lớn

Đạt điểm 9 môn Văn khối C và là thủ khoa ĐH Văn hóa TP HCM với 27,5 điểm, Phạm Thị Linh (THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP HCM) từng có những ngày tháng tuổi thơ buồn tủi, nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm.
Linh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Phú Thọ và chưa từng biết mặt cha. Vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ em phải vào Sài Gòn kiếm sống, để em và 2 người chị cho bà ngoại chăm sóc. Ba mất, mẹ lại đi xa, cuộc sống thiếu thốn tình yêu thương khiến cô bé không tránh khỏi cảm giác cút côi, tủi phận.
"Mỗi khi thấy bạn bè hạnh phúc bên cha mẹ, em lại nhớ mẹ da diết và khát khao được ở bên cạnh mẹ", Linh tâm sự. Gia đình bên ngoại cũng khó khăn nên ngoài giờ học Linh còn giúp bà công việc đồng áng, chăn bò... Cuộc sống vất vả nhưng chị em Linh thấy hạnh phúc vì được bà hết mực thương yêu. Tuổi thơ gắn liền với con sông quê êm đềm, những cánh đồng bát ngát có lẽ đã giúp tâm hồn Linh luôn dạt dào cảm xúc.
Linh chụp ảnh cùng bạn trong một lần dự thi văn nghệ tại trường THPT Nguyễn Tất Thành (Phú Thọ).
Linh và bạn chụp ảnh trong lần thi văn nghệ ở THPT Nguyễn Tất Thành (Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Niềm khao khát được đoàn tụ với mẹ đã trở thành động lực giúp Linh vượt qua khó khăn và cố gắng học giỏi. Ngay từ nhỏ Linh đã bộc lộ khiếu học Văn. Những bài văn của em thường được thầy cô khen là có hồn. Nhiều năm liền là học sinh giỏi Văn của lớp nhưng Linh thừa nhận mình chỉ "học được" so với nhiều bạn bè.
"Em cũng không biết mình thích học Văn từ khi nào. Có lẽ là do khi em không thể nói ra được nỗi nhớ mẹ trong suốt thời gian dài. Cũng có khi là cảm giác tủi thân, cô độc khi bị ai đó coi thường. Vậy là em lại muốn được viết ra", nữ sinh tâm sự.
Mặc cảm về hoàn cảnh gia đình nên Linh khá nhút nhát. Đến khi lên cấp 3, Linh mới thực sự "lột xác" trong vai trò Bí thư đoàn và ngày càng trở nên năng động, hoạt bát hơn. Không chỉ học giỏi, Linh còn có nhiều tài lẻ, sở hữu giọng hát trong trẻo, có năng khiếu múa, hùng biện... nên Linh tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thi đua của trường và được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Năm lớp 11, Linh được mẹ đón vào Sài Gòn và theo học tại THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6). Cô gái quê lại đứng trước nhiều thách thức để hòa nhập với cuộc sống và môi trường học mới. Được sống trong niềm hạnh phúc đoàn tụ với gia đình, được bạn bè và thầy cô giúp đỡ, Linh nhanh chóng bắt nhịp với việc học. Ngoài giờ đi học, em còn tranh thủ phụ mẹ làm hương để có thêm thu nhập.
Linh tự nhận, ở những năm đầu cấp 3 không có gì nổi bật. Chỉ lên lớp 12 em mới "bứt phá" khi những bài văn được điểm 9, thậm chí 9,5 liên tục xuất hiện. Đó là động lực khiến em phấn đấu nhiều hơn. Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và trong đợt thi đại học vừa qua, Linh đều "ẵm" được điểm 9 ở môn sở trường này.
Vào Sài Gòn sống cùng mẹ, Linh trở nên tự tin và nhạy bén hơn.
Vào TP HCM sống cùng mẹ, Linh trở nên tự tin và nhạy bén hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm học Văn, nữ thủ khoa thật thà nói, ngoài khả năng cảm thụ văn thơ vốn có của mình, em còn phải luyện viết rất nhiều để trau dồi tư duy diễn đạt trôi chảy. Đặc biệt, khi làm văn cũng phải vạch ra những luận điểm rõ ràng. Ở những kỳ thi lớn như thi đại học, nếu viết dài, ý hay mà không có luận điểm rõ ràng cũng không thể đạt điểm cao.
Nói về đề thi Văn khối C, Linh bảo, khá khó. Khi đọc đề em cũng "choáng" vì không có câu nào em thích bởi vì ôn "lệch tủ" cả. Trong khi đề ra phân tích tính sử thi của nhân vật Tnú, thì trong suy nghĩ của em chỉ hiện lên một vấn đề duy nhất đó là phân tích tính sử thi của tác phẩm. Sợ mình làm theo đề đã học không đúng đáp án nên Linh đành ngậm ngùi quay sang so sánh, phân tích hai khổ thơ trích từ bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và và Tương tư của Nguyễn Bính.
"Cũng may là em còn có sự lựa chọn. Hai khổ thơ đó cũng cho em rất nhiều xúc cảm, em miệt mài viết cho đến khi tay mỏi nhừ", Linh cười.
Vì dự thi vào khoa Biên tập viên và Dẫn chương trình của ĐH Văn hóa nên Linh chỉ làm chung môn Văn với đề khối C, 2 môn còn lại là năng khiếu. Vốn có khiếu hùng biện từ hồi phổ thông, lại sở hữu giọng nói truyền cảm, Linh đã dẫn dắt và chinh phục ban giám khảo với bài thuyết trình về đề tài "Vì môi trường không có thuốc lá" để lấy điểm gần tuyệt đối (9,5 điểm).
Ở môn thi hát, trong khi nhiều thí sinh khác chọn những bài nhạc trẻ, Linh lại gây ấn tượng trong bộ áo tứ thân, nón quai thao và giọng hát trong trẻo của cô gái gốc Bắc qua bài dân ca "Làng quan họ quê tôi". Được ban giám khảo đánh giá cao ở trang phục và chất giọng, Linh "ẵm" thêm một điểm 9.
Nữ thủ khoa kể, vài ngày trước, đang trên đường về nhà thì thấy điện thoại reo liên tục. Nghĩ mẹ gọi giục về nên cứ thế chạy một mạch, mãi sau mới biết đó là cậu bạn gọi thông báo em đậu thủ khoa.
"Có mơ em cũng không thể tin được mình là thủ khoa. Em còn dọa cậu bạn sẽ cho một trận vì dám trêu mình. Chỉ đến khi lên mạng xem điểm của mình, chính mắt nhìn thấy kết quả em mới tin. Lúc đó, nhìn nụ cười của mẹ, em thấy hạnh phúc vô cùng", Linh cười bẽn lẽn.
Cô gái có đôi mắt biết nói cũng bày tỏ ao ước được trở thành một biên tập viên giỏi và một MC thực thụ. Linh cho biết, sẽ nỗ lực phấn đấu để có những thành tích tốt hơn để bù đắp lại những vất vả nhọc nhằn của mẹ. Bị thua kém các bạn bè ở thành phố về môn tiếng Anh, nữ MC tương dự định sẽ đi học thêm môn này.
Hải Duyên

No comments:

Post a Comment