Triết lý kinh doanh của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen
1/1/2012 | 10:55
Trong cơn bão khủng hoảng, ông Lê Phước Vũ vẫn kiên định mục tiêu xây dựng nhà máy hàng nghìn tỷ đồng.
Trong cơn mưa dầm rả rích kéo dài tới khuya, người ta
vẫn thấy ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chạy ngược
chạy xuôi trên công trường xây dựng Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Bà Rịa -
Vũng Tàu. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất với cả công ty, đặc biệt là
ông - người đã dùng uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với
nghề thuyết phục HĐQT đổ vốn hàng nghìn tỷ đồng tạo dựng nhà máy để chủ
động sản xuất, mở ra hướng phát triển mới mà nhiều người cho rằng nó
không khả thi.
"Đến giờ này, tôi mới thực sự nhẹ nhõm khi doanh nghiệp vượt qua cơn giông bão lớn của giai đoạn cực kỳ khó khăn 2008-2011", Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ. Ảnh: H.S. |
Đó là giai đoạn giữa năm 2010 đến 2011, kế hoạch phát
hành thêm 500 tỷ đồng cho đối tác chiến lược đột ngột khựng lại do bóng
đen nợ công châu Âu ập đến, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh.
Ông Vũ nói: "Xây dựng dang dở nhưng không còn tiền để làm. Chính sách
thắt chặt tiền tệ đẩy lãi vay tăng cao, tỷ giá biến động mạnh. Chúng tôi
bàng hoàng không biết điều gì đang xảy ra".
Với ông, lúc này chỉ có một lối thoát là nhanh chóng
đưa nhà máy hoạt động sớm nhất có thể, để có dòng tiền, doanh thu để
trích khấu hao. Thậm chí việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài cũng
được tính đến, chứ không chỉ dồn sức cho nội địa như từ trước tới giờ.
"Chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là tồn tại hay không tồn tại, chứ
không phải là thành công hay không thành công, có muốn làm hay không",
người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nhớ lại.
Chính vì thế, đích thân Chủ tịch Lê Phước Vũ nằm vùng ở
địa bàn xây dựng hàng tháng trời, 12h đêm vẫn ngược xuôi trên công
trường, trong những cơn mưa dầm không dứt. Nhớ lại quãng thời gian này,
ông chia sẻ: "Chúng tôi làm việc như thời chiến". Bản thân ông vừa đốc
thúc nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng nhà xưởng, vừa hối
thúc nhà cung cấp máy móc thiết bị giao hàng kịp thời để lắp đặt máy
nhanh cho kịp tiến độ. Dây chuyền này lắp xong tới dây chuyền khác, bảo
đảm sự đồng bộ. Kết quả là chỉ trong 10 tháng nhà máy đã cho ra đời
những sản phẩm đầu tiên.
Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới
và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn chí tử với nhiều
doanh nghiệp, Hoa Sen cũng không ngoại lệ. Giá thép cán nóng (nguyên
liệu sản xuất thép cán nguội và tôn mạ) giữa năm 2008 trên 1.100 USD một
tấn đã giảm còn 400 USD vào cuối năm (giảm hai phần ba chỉ trong 6
tháng). HĐQT Tập đoàn Hoa Sen như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi,
giá càng giảm sâu.
Lúc đó, ông Vũ quyết định cắt lỗ, nhanh chóng bán hết
hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua
tới đó. Nhờ vậy, doanh nghiệp thoát khả năng thua lỗ gần như nắm chắc
trong niên độ tài chính 2008 – 2009, và còn có lãi.
Những năm 90, tích cóp được 2 chỉ vàng, gia đình ông Vũ mua trả góp máy cán tôn cũ, tự cắt tôn, đi bán lẻ khắp nơi. Đến khi công việc kinh doanh thuận lợi, gia đình mới quyết định thành lập công ty để mở rộng sản xuất. Ảnh: H.S. |
Nghĩ lại những biến cố không thể quên trong cuộc đời,
Chủ tịch Lê Phước Vũ đúc kết: "Quyết đoán, chính xác, linh hoạt ở mọi
hoàn cảnh, tạo sức mạnh đoàn kết trong toàn thể nhân viên là cốt lõi
thành công". Song, nói thì dễ, làm mới khó và trước một quyết định mang
tính sống còn, những lãnh đạo cấp cao phải "mắt sáng" để trong trăm
phương nghìn hướng chọn ra lối đi đúng đắn nhất. Đây là những đúc kết
ông có được sau nhiều thành công, nhưng cũng lắm thử thách, nhất là
chặng đường trước khi bén duyên với ngành tôn thép.
Thập niên 90, chàng thanh niên Lê Phước Vũ trải qua
nhiều công việc khác nhau, sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Chắt chiu
nhiều năm trời, anh tích cóp được 2 chỉ vàng (tương đương hơn một triệu
đồng). Vay mượn thêm người quen, Vũ thuê cửa hàng để kinh doanh tôn lẻ
tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Cầm số tiền lãi 650.000 đồng của
ngày đầu tiên làm chủ cửa hàng nhỏ, hai vợ chồng rưng rưng nước mắt.
Nhưng con đường kinh doanh không dễ có lợi nhuận như
ngày hôm đó, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong
lĩnh vực kinh tế như ông. Quá trình biến một cửa hàng nhỏ bé chỉ với vài
nhân viên để thành một tập đoàn gần 3.000 lao động, doanh thu hơn 8.000
tỷ đồng như hôm nay là một quãng đường dài, đầy khó khăn.
Cửa hàng bán lẻ nếu cứ kinh doanh mãi một kiểu sẽ
không còn lời, thậm chí khó tồn tại. Vì vậy, sau một thời gian, ông
chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi
đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao... Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây
dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả... để cạnh tranh với các
đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại
Việt Nam.
Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen tâm đắc câu nói "mạnh
dùng lực, yếu dùng thế". Ông ví von, các tập đoàn nước ngoài như người
khổng lồ trên võ đài tung các cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan,
biết cách né tránh, họ sẽ không đánh tới được mà luôn cách ta gang tay,
việc cố đấm chỉ khiến họ mệt thêm. Nhờ biết cái thế của mình nên ngoài
việc giữ vững thị phần, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong thời buổi khó
khăn.
Chủ tịch Tôn Hoa Sen dẫn chứng, năm tài chính
2010-2011, sản lượng tiêu thụ của công ty là gần 382.000 tấn, đạt gần
8.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 160 tỷ đồng lợi nhuận. Riêng lợi nhuận
sau thuế hợp nhất lũy kế quý I của niên độ tài chính 2011-2012 (tháng
10, 11 và 12/2011) ước khoảng 100 tỷ đồng.
Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh
doanh của Hoa Sen, bởi ông Vũ là người có niềm tin vào Đức Phật. Cái tên
Hoa Sen có ý nghĩa: "Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh
lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực". Còn phương châm kinh doanh
của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm
chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho
con người.
(Theo VNE)
No comments:
Post a Comment