Steve Jobs
Cây Bonsai Trong Vườn Thiền
“Làm
người giàu nhất nằm trong nghĩa trang không làm tôi quan tâm. Mỗi đêm
lên giường, hạnh phúc nói rằng: chúng ta đã làm được những điều tuyệt
vời là điều tôi quan tâm” - Steve Jobs
Hầu hết mọi người trên thế giới đều biết
Steve Jobs như một thiên tài trong lãnh vực công nghệ điện tử, một nhà
kinh doanh tài ba nhất thế kỷ, một nhà thiết kế sản phẩm độc đáo. Tuy
nhiên ít người biết ông là Phật tử hành trì giáo lý nhà Phật, ăn chay
trường.
Ông tìm đến con đường tâm linh lúc còn rất
trẻ, vừa chớm tuổi 20. Những năm đầu tiên tại đại học, ông đam mê tìm
tòi tôn giáo phương Đông. Vào năm 1974 ông cùng vài bạn sinh viên hành
hương xứ Ấn Độ để tìm gặp đạo sư Neem
Karoli Baba. Tuy nhiên khi đến nơi, vị đạo sư đã qua đời nhưng không
làm ông nản chí. Ông trở lại Hoa Kỳ trong tấm y choàng đơn giản với
đầu cạo trọc như một tu sĩ Phật Giáo. Những năm tháng sau, dù làm việc
trong lãnh vực điện tử, hằng ngày ông vẫn đến thiền đường Los Altos
dưới sự hướng dẫn của thiền sư Nhật Bản Kobun Chino Otogawa. Thiền sư
cũng là người chủ trì lễ cưới cho ông vào năm 1991. Nhờ những năm tháng
tu học ở đây, ông thâm nhập được tư tưởng tánh không - thiền Phật
Giáo: đơn giản nhưng sắc sảo, mềm mại nhưng vững chãi, vắng lặng nhưng
thâm thẩm...
Nhà
nghiên cứu, chiến lược gia sản phẩm tiêu dùng - Jeff Yang khẳng định:
“Chìa khoá thành công của Apple là do Steve Jobs đã ứng dụng những điều
căn bản của thiền Phật Giáo vào sản phẩm. Ông biết sử dụng đến sức mạnh
tánh không để làm nên những sản phẩm cực kỳ đơn giản”
Cầm
sản phẩm nào của Apple, chúng ta đều cảm nhận được sự tinh tế lạ kỳ.
Cảm giác ấy không khác chi khi chúng ta bước vào khu vườn thiền Nhật Bản
hoặc ngắm nhìn những cây bonsai, hòn non bộ đưọc các thiền sư tạo tác.
Cuộc
sống Steve Jobs khá đạm bạc từ cách ăn mặc cho đến nhà cửa. Chủ tịch
tập đoàn Apple có lần đến nhà ông đã ngạc nhiên khi thấy hầu như trống
rỗng, đơn giản như một thiền đường. Tuy là người thực hành giáo lý nhà
Phật, ăn chay trường nhưng ông không bao giờ nói đến tôn giáo trước công
chúng. Chưa một ai nghe ông: Cám ơn Phật đã cho tôi cái này hay Phật
ban ơn lành cho tôi cái kia. Vấn đề tâm linh ông âm thầm sinh hoạt
riêng trong gia đình.
Tuy
nhiên những bài diễn thuyết của ông về đề tài nhân văn lại bàng bạc
triết lý sống Phật Giáo. Như khi nói đến vấn đề chết, ông cho rằng: Chết
là tạo vật tuyệt vời nhất cho sự sống mới vươn lên....Ý thức mình
trước sau gì cũng chết trần như nhộng (không đem theo được gì) giúp
chúng ta không sợ hãi mất mát các thứ huyễn hoặc để làm những việc quan
trọng hơn. Thấp thoáng ta thấy âm hưởng Bát Nhã Tâm Kinh, hình ảnh của Đấng Tự Tại Bồ Tát.
Có lần trong bài diễn thuyết với sinh viên trường nổi tiếng Standford, ông nói: “Các
bạn đừng mắc kẹt trong giáo điều, vì đó là tư duy của người khác. Đừng
để tư tưởng của người khác dù là đám đông nhận chìm đi tư tưởng trong
nội tâm của mình. Quan trọng nhất là các bạn theo trực giác và điều
bạn cảm nhận trong tâm” Ở
đây ta thấy chẳng khác chi bài học vỡ lòng Phật Thích Ca dạy cho đệ tử
mình: Đừng tin những gì người ta nói, dù nhiều người đã nói, ngay cả
lời của ta.... phải tự thực chứng....
Đã
làm người ai cũng có lỗi lầm. Steve Jobs cũng thế! Tuy nhiên ông
không hề dấu diếm. Ông công khai xác nhận và sám hối bằng hành động
thiết thực. Ông dùng hầu hết năng lực của mình để tạo ra sản phẩm lợi
ích cho người tiêu dùng và các chương trình thiện nguyện (dù rất âm
thầm).
Ông
ra đi trong tiếc thương vô vàn. Tuy nhiên đóng góp cao qúy của ông cho
nhân loại vẫn mãi mãi còn. Triết lý nhân sinh, lối sống của ông chắc
chắn được tái sinh qua nhiều người mến mộ. Ánh tia sét lià trời đã chợt
tắt nhưng âm ba vang vọng của sấm gầm rung chuyển mười phương thế
giới.
Huyền Lam
Ngày Steve Jobs về chốn hư không
No comments:
Post a Comment